CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM




Con chào dượng,

Dạo này dượng có khỏe không? Đây là lần thứ hai con quyết tâm viết thư gửi dượng. Và con quyết tâm phải viết ngay, sau khi đọc xong một cuốn sách vô cùng thú vị. Cuốn sách có tựa tiếng Việt là CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM, do cụ Masanobu Fukuoka viết.


Mấy ngày nay, con không thể ngừng suy nghĩ về cuốn sách này. Giống như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi các vấn đề đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là ô nhiễm thực phẩm, sự xâm nhập mặn, tình trạng thiếu nước và những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nông nghiệp của người dân nước ta. Mà theo con thấy, những gì cụ Fukuoka chia sẻ là một phương hướng hoàn hảo cho những vấn đề này. Con xin giải thích kỹ hơn ở dưới đây.

Trong cuốn sách, cụ Fukuoka đã đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới. Đó là phương pháp: “LÀM NÔNG TỰ NHIÊN”, hay nông nghiệp “không làm gì cả”. Không làm gì cả không có nghĩa ta chỉ cần gieo hạt hay trồng cây rồi bỏ đấy, không làm gì cả mang nghĩa tạo cho cây một môi trường thật tự nhiên, giúp cây phát triển theo cách tự nhiên nhất như nó vốn có. Và đặc biệt phương pháp LÀM NÔNG TỰ NHIÊN cực kỳ đơn giản, tốn ít rất công sức, trong khi năng suất ngang bằng thậm chí cao hơn cách mà đa số người dân vẫn đang áp dụng.

Cụ Fukuoka cho rằng các phương pháp canh tác hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền công nghiệp hóa, hoạt động sản xuất các hóa chất nông nghiệp và những quan niệm phi tự nhiên. Chúng ta tự tạo ra cho đất một “cơn nghiện”. Càng ngày đất vẫn càng thoái hóa, càng bạc màu, trong khi con người lại ngày càng sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hơn.

Bốn nguyên tắc của LÀM NÔNG TỰ NHIÊN bao gồm (1) không cần cày cuốc, (2) không cần bón phân (chỉ cần sử dụng rơm rạ và một ít phân gia cầm), (3) không làm cỏ (dùng cỏ kiểm soát cỏ và không dùng thuốc diệt cỏ), và cuối cùng là (4) không diệt côn trùng! Khi áp dụng làm nông tự nhiên người nông dân sẽ tạo ra được những thực phẩm tốt nhất với chi phí thấp nhất, mà không hề gây tổn hại tới môi trường, tài nguyên đất thì ngày một màu mỡ hơn.

Cụ Fukuoka đã mất 30 năm để hoàn thiện và chứng minh phương pháp của mình với nước Nhật. Có rất nhiều chuyên gia, học giả trên thế giới từng đến thăm trang trại của cụ. Cụ cũng đã từng giành được giải thưởng Ramon Magsaysay tại Philippines (được biết đến như giải Nobel của châu Á thời đó). Ngoài ra còn có những giải thưởng như Earth Council tại Rio de Janeiro, giải thưởng từ quỹ Rockefeller Brothers...


Hôm nay coi chương trình thời sự, con thấy thông tin để sản xuất được 1 kilogram gạo, chúng ta tiêu tốn tới 3400 lít nước. Rồi tới hạn mặn, việc chuyển đổi cây đồng, phương án giảm số lượng mùa vụ... Đây cũng là một vấn đề được cụ Fukuoka nhắc tới trong cuốn sách. Nếu áp dụng phương pháp LÀM NÔNG TỰ NHIÊN, không cần phải có nhiều nước ta mới trồng được lúa. Sẽ không còn cảnh phải bì bõm lặn ngụp dưới đồng, hay đi vớt bịch thuốc trừ sâu trôi theo dòng nước...

Đất nước ta còn biết bao người dân phụ thuộc vào cây lúa? Con cũng sinh ra trong một gia đình thuần nông, và con không thể ngừng nghĩ về hình ảnh những cây lúa vàng trĩu hạt ngoài đồng, nơi cây trồng được phát triển tự nhiên cùng những người nông dân với nụ cười chất phác trên môi, hàng ngày cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho đất nước và thế giới.

Con ao ước lắm, dượng ơi. Thậm chí trong lúc đang đọc sách, con còn nảy ra ý định sẽ sang Nhật để xin làm việc cho cụ Fukuoka, để học hỏi những cái hay, cái đẹp về cho đất nước. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, con được biết cụ đã mất vào năm 2008. Con trai cụ là Masato hiện đang tiếp quản trang trại của cụ nhưng chú ấy cũng rất bận với những dự án của mình.

Tuy thế nhưng có rất nhiều nông trại ở Nhật đã học được theo mô hình của cụ Fukuoka. Trên thế giới cũng có rất nhiều người đã áp dùng thành công phương pháp làm nông tự nhiên. Từ người Thái, người Ấn Độ... tới một số nước mà cụ Fukuoka từng được mời đến để hướng dẫn. Hoặc ta chỉ cần lên Youtube và tìm kiếm từ khóa “Natural Farming” sẽ thấy có rất rất nhiều... Thế nhưng phương pháp này tới nay vẫn chưa được phổ biến, và còn rất nhiều người còn chưa hề nghe tới, bởi mức độ “khó tin” của nó...

Con học chuyên ngành xây dựng, và con biết mình còn phải cố gắng rất nhiều. Vì thế con nghĩ nếu mình chia sẻ những điều này, sẽ có nhiều những người giỏi hơn, nhiều những người có chuyên môn hơn tập trung tìm hiểu và đem về áp dụng cho nước ta. Hay đơn giản, đây cũng là một đề tài tuyệt vời cho những bạn đang làm khóa luận, những nghiên cứu sinh, sinh viên đi thực tập ngành nông nghiệp.

Người nông dân nước ta đang phải chịu khổ, đồng thời phải chống chọi với sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu vẫn diễn ra hàng ngày. Tuy thế mà mấy hôm trước, con đọc được bài viết dượng chia sẻ về Sáng chế máy biến nước mặn thành nước ngọt của 2 học sinh ở Bến Tre. Đúng là không gì là không thể, dượng à. Con ao ước lắm...

Kể từ khi viết thư cho dượng hơn 1 năm trước, con vẫn liên tục học tập và rèn luyện, nỗ lực không ngừng, để xứng đáng với cái tên Toni con tự nhận. Fanpage Learning With Toni con lập hồi đó, vẫn đều đặn được đăng bài hàng ngày. Cho dù không có nhiều độc giả, nhưng nhiều bạn đã nhắn tin cảm ơn con, nhiều bạn nói đã bớt đọc báo mạng, nhiều bạn nói biết được nhiều người giỏi hơn. Con vui lắm.

Con luôn mong mỏi những gì con ao ước sẽ trở thành hiện thực, cũng như dượng luôn luôn khỏe mạnh để chia sẻ thêm nhiều điều thú vị và bổ ích hơn nữa. Một lá thư Hà Nội bây giờ đã trở thành hai. Cho dù dượng có đọc được thư này hay không, con xin hứa sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình để thực hiện những gì con đã viết. Vì một ngày mai tươi sáng...

Thân mến,

Con của dượng

Comments

Popular posts from this blog

TINH TINH THÀNH THẦN, KIÊU HÃNH VÀ ĐỊNH KIẾN

TRỞ THÀNH AI?

MỘT LÁ THƯ HÀ NỘI